Nguyên tắc thiết kế khoảng thông tầng trong nhà phố nhất định bạn phải biết
1. Thông tầng là gì?
Thông tầng là khoảng không gian trống ở trong ngôi nhà, giúp lấy nguồn không khí và ánh sáng từ tự nhiên, cũng tương tự như giếng trời. Bên cạnh đó, khoảng thông tầng có tác dụng tạo nên sự lưu thông không khí dễ dàng hơn giữa các tầng và các phòng, làm cho không gian trở nên thoáng mát hơn.
Khoảng thông tầng và giếng trời khá giống nhau. Tuy nhiên, khoảng thông tầng không bắt buộc phải xây thông từ tầng 1 lên đến mái. Nó có thể kết nối giữa hai, ba tầng với nhau. Tùy thuộc vào diện tích (chủ yếu là chiều dài) của ngôi nhà, mà số lượng khoảng thông tầng thay đổi. Với những ngôi nhà có chiều dài lớn hơn 20m, hoàn toàn bố trí được hai, thậm chí 3 lỗ thông tầng.
2. Lợi ích thiết kế thông tầng
Thiết kế thông tầng không chỉ là điểm nhấn cho căn nhà của bạn. Mà nó còn giúp tạo không gian thoáng đãng, tạo góc quan sát rộng. Đồng thời, thiết kế này còn giúp nhận ánh sáng và gió tự nhiên từ bên ngoài vào, giúp mang đến không gian xanh cho ngôi nhà của bạn. Đây là một thiết kế thông minh đối với các ngôi nhà có diện tích nhỏ đến vừa, tạo vẻ đẹp hiện đại và sang trọng cho tổng thể ngôi nhà.
- Khi khoảng thông tầng được đặt ở giữa nhà sẽ có tác dụng là vách ngăn hờ phòng Khách và bếp thay vì các bức vách để tạo cảm giác rộng thoáng cho căn nhà. Đồng thời nó còn giúp lấy sáng cho buồng thang và đối lưu không khí chính.
Khi đặt khoảng thông tầng tại vị trí cuối nhà sẽ giúp tạo sự thông thoáng cho bếp và phòng ăn. Dù nhà nhỏ cũng không nên tiết kiệm diện tích để làm thông tầng vì bù lại cho khoảng diện tích bị mất này căn bếp sẽ trở nên sáng sủa và thoáng đãng hơn.3. Nguyên tắc thiết kế khoảng thông tầng
- Thứ nhất: Nhà phải có 2 tầng trở lên thì mới thiết kế được khoảng thông tầng. Để đảm bảo cho nhà ở được cân đối hài hòa thì cần phải tính toán thật tỉ mỉ. Thông thường, đối với nhà có chiều sâu trên 10m thì nên sử dụng 2 – 3 khoảng thông tầng để mà nhà ở thoáng và sáng hơn. Mỗi ô thông tầng này sẽ có công dụng như giếng trời, được phân bổ đều từ trước, giữa cho đến cuối ngôi nhà. Nhà nhỏ lại càng nên chừa khoảng thông ầng, vì nó sẽ làm căn nhà của bạn thoáng và sáng hơn.
- Thứ hai: Nên đặt thông tầng ở sát một vách tường nhà, bởi nếu thiết kế thẳng xuyên suốt giống như giếng trời thì sẽ dẫn âm thanh rất vang và rõ, điều này làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các thành viên trong Gia đình. Bức tường của khoảng thông tầng nên làm xù xì, nhám, sần để tiêu âm thanh. Hiện nay, các công trình thường sử dụng vật liệu trang trí, sơn gai, xây gạch trần… để làm giảm truyền âm của thông tầng hay giếng trời.
- Thứ ba: Nếu thông tầng đặt như giếng trời thì cần phải có mái che, đối với mái che thì bạn nên làm cao thêm 1m so với mái nhà và tạo 2 cửa thông gió có chớp chắn vì mái che đã làm cho thông tầng bớt thoáng và làm giảm chức năng đối lưu không khí. Trong trường hợp bạn không làm mái che thì cần thiết kế thoát nước thật tốt ở đáy giếng.
- Thứ tư: Đảm bảo an toàn cho các thành viên: Thiết kế hành lang, cửa sổ và cầu thang tiếp giáp với khoảng thông tầng phải có lan can. Với những nhà thông giữa 2 tầng nếu bên dưới là không gian sinh hoạt thì cần đặc biệt chú ý đến hệ thống đèn trang trí chậu cây. Không nên thiết kế quá nhiều họa tiết trang trí treo tường để đảm bảo an toàn nhất có thể.
- Thứ năm: Quan tâm đến yếu tố phong thủy: Yếu tố phong thủy khi thiết kế nhà luôn luôn quan trọng từng vị trí đặt khoảng thông tầng cần phải đặc biệt lưu ý.
Cụ thể, đối với phòng bếp và phòng ăn (có tính Hỏa cao), thì khoảng thông tầng cần phải thoát nhiệt tốt, nên ưu tiên sử dụng những vật dụng mềm mại (Thủy giảm Hỏa) trên tường hay trần.
Còn đối với không gian phòng khách (thuộc về hành Thổ là chính), khi làm khoảng thông tầng nên sử dụng những vật liệu đem lại cảm giác ấm cúng, màu sắc tươi tắn, sáng sủa… Chẳng hạn, có thể treo đèn chùm nơi khoảng thông tầng trong phòng khách bởi đèn chùm có chi tiết thuộc về hành Hỏa), có tính tương sinh.
Với những ngôi nhà nhỏ thì khoảng thông tầng cần nghiêng về hành Thủy (sinh Mộc) để tạo sự mềm mại giảm cảm giác chật hẹp, màu sắc nhạt và đường nét uốn lượn.